Giảm ùn tắc giao thông cần giải pháp tổng hợp

Ùn tắc giao thông là căn bệnh của thành phố lớn

Thành phố Hồ Chí Minh chưa hội đủ 5 yếu tố để có thể giảm hẳn ùn tắc giao thông do: tỷ lệ đất dành cho giao thông còn rất thấp 7-8%; mật độ dân số khu vực nội thành qúa cao; tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng khoảng 6,1%; văn hóa giao thông chưa tốt; và quản lý giao thôngcòn nhiều bất cập.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy để giảm ùn tắc giao thông cần có  giải pháp tổng hợp về lâu dài  như: quy hoạch hình thái đô thị – đa trung tâm;  phát triển theo định hướng giao thông cộng cộng có sức chở lớn như  metro – TOD gắn với hình thái đô thị; phát triển đường vành đai để kết nối khu vực đường hướng tâm hạn chế xe xuyên tâm; kết nối 3 tầng giao thông là metro, trên mặt đất, trên cao và trước mắt là cải tạo các nút ùn tắc giao thông; phát triển GTCC; xây dựng văn hóa giao thông;  quản lý giao thông v.v.. một cách đồng bộ, trong đó “hạn chế giao thông cá nhân” phải là giải pháp cần quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến các giải pháp khác.

Giải pháp lâu dài

1-Giải pháp quy hoạch về hình thái đô thị là giải pháp hàng đầu: Giải pháp quy hoạch cho thành phố cực lớn/siêu thành phố (dân số trên 10 triệu người) bao giờ cũng là “hình thái đô thị phân tán” về phân bố dân cư. Phát triển các trung tâm đô thị khu vực và đô thị vệ tinh để dãn bớt sự tập trung cao độ trong khu vực trung tâm lịch sử.  Do vậy cần giảm xây dựng cao ốc trong khu trung tâm và chuyển các cao ốc như: văn phòng, nhà ở, trung tâm thương mại, cũng như di dời nhanh các các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và bệnh viện v.v… ra các đô thị vệ tinh ngoại thành.

Thành phố Hồ Chí Minh, Quy hoạch xây dựng điều chỉnh đến năm 2025 có dân số trên 10 triệu người đã được chính phủ phê duyệt cũng theo “hình thái đô thị tập trung – đa cực/ đa trung tâm”. Với đô thị hiện hữu đang mở rộng sang Thủ Thiêm và 4 đô thị khu vực là: Tây Bắc Củ Chi, Cảng Nhà Bè, Khu kỹ thuật cao Q9 và Tân Tạo Tân Kiên nhưng vẫn chưa được triển khai theo quy hoạchnên chưa rõ hình hài thành phố đa trung tâm, do vậy chưa thể căn bản giảm ùn tắc giao và ô nhiễm môi trường.

2– Giải pháp phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) gắn với hình thái phát triển đô thị: Đó là xu thế phổ biến tại các đô thị phát triển trên thế giới, nhằm hướng người tham gia giao thông sử dụng phương tiện công cộng có sức chuyên chở lớn như metro tại các trung tâm khu vực và đô thị vệ tinh, để dành chỗ cho giao thông công cộng trên mặt đất như xe búyt nhanh (BRT) v.v… Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh có 6 tuyến metro nhưng hiện mới triển khai tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

3- Phát triển hệ đường vành đai, đường hướng tâm và hạn chế xe xuyên tâm: Đó cũng là xu hướng phát triển giao thông cổ điển trên thế giới để hạn xe vào nội đô. Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh có 4 đường vành đai, đường vành đai 1 đã có trong nội thành, đường vành đai 2 hiện đang tập trung xây dựng, các đường vành đai sẽ kết nối hệ thông giao thông của thành phố với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

4- Làm đường trên cao: Theo quy hoạch Thành phố có 5 đường trên cao, hiện mới chuẩn bị làm đường số 1: Cộng Hòa – Trần Quốc Hoàn- Phan Thúc Duyên – Hoàng Văn Thụ – Phan Xích Long nối dài. Tại đây tách một nhánh xuống nút giao thông Điện Biên Phủ, nhánh còn lại theo đường Ngô Tất Tố, kết thúc  trước cầu Phú An, dài 9,5 km.

Giải pháp trước mắt

Vì thiếu kinh phí nên giải pháp mang tính lâu dài thường triển khai chậm do vậy hiện nay chỉ trông vào giải pháp trước mắt, giải pháp tình thế, trên cơ sở khai thác tốt cơ sở hạ tầng hiện có.

1-Cải tạo các nút ùn tắc giao thông: Thành phố Hồ Chí Minh nút giao thông không chỉ có ngã 3 ngã 4 thậm chí có cả ngã 5 và ngã 6. Trong 26 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông đã có những giải pháp xử lý tại 14 điểm, xây dựng phương án điều chỉnh giao thông ở 6 điểm và đang nghiên cứu các giải pháp xử lý 6 điểm. Các giải pháp xử lý có thể là cầu vượt, hầm chui, tiểu đảo, mở rộng đường, mở thêm đường, phân luồng  giao  thông  v.v.. tùy theo từng vị trí.

2-Phát triển giao thông công cộng: Theo quy hoạch có 6 tuyến BRT nhưng hiện nay chỉ mới triển khai tuyến BRT trên Đại lộ Đông –Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ).

3-Xây dựng văn hoá giao thông: Xây dựng “nếp sống văn minh trong giao thông”, “văn hóa giao thông” trong cộng đồng dân cư để mọi người tham gia giao thông có “hành vi giao thông văn minh”.

4-Tăng cường quản lý giao thông:  Đẩy mạnh công tác tuyên truyển, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự và an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thực thi công vụ khi phát hiện, xử lý, chế tài các hành vi vi phạm luật giao thông phải nghiêm túc và nghiêm khắc. Việc dễ dãi hoặc nhũng nhiễu… của người đại diện nhà nước thực thi công vụ sẽ làm ý chí của nhà nước không được thự thi, pháp luật khi đó dù có đúng và đủ đến đâu cũng trở nên vô nghĩa và phản tác dụng.

Các giải pháp khác

Ngoài các giải pháp nêu trên có có một số các giải pháp thành phố có thể tham khảo thực hiện như: tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông để  giảm nhu cầu đi lại, tăng khả năng kết nối và tăng khả năng lưu động; phát triển hệ thống monorail trên cao; tổ chức các tuyến xe buýt, taxi  trên kênh  và trên sông; sắp xếp làm việc lệch giờ; dùng thuế phí kiểm sóat nhu cầu vận tải; ứng dụng giao thông thông minh; cung cấp nguồn tài chính đầy đủ và bền vững cho giao thông; siết chặt kỷ cương quản lý giao thông vận tải v.v..

Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân  

Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều là những thành phố hiếm thấy trên thế giới vì có quá nhiều xe máy, do vậy tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong đó có cả ô tô và xe đạp phải là giải pháp trọng tâm, xe cá nhân hiện nay có 7,5 triệu phương tiện (trong đó 6,9 triệu xe máy, khoảng 570.000 xe ô tô) chiếm tới 90-95%, phương tiện giao thông. Xe cá nhân nhiều thì tỷ lệ ùn tắc càng cao. Nhưng đầu tư giao thông công cộng cũng khó khăn vì kinh phí quá lớn. Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày ít nhất cũng phải có 14-15 triệu lượt người đi lại. Giao thông công cộng ít nhất phải đáp ứng được 25-30% lượng người, phấn đấu chỉ số này tăng lên 50-60%, lúc đó đường sẽ thông thoáng.

Tuy nhiên để  hạn chế phương tiện xe cá nhân ngay từ  bây giờ, thì cần có kế hoạch phát triển đồng bộ các các giải pháp tổng hợp. Trên cơ sở đó người dân sẽ bớt sử dụng xe cá nhân để đi phương tiện giao thông công cộng vì thuận tiện hơn và bớt tốn kém hơn. Trước hết trong quản trị hệ thống quản lý ùn tắc giao thông Thành phố cần quyết tâm chiến lược, nâng cao năng lực quản lý, khai thông nguồn lực để đột phá trong triển khai các giải pháp tổng hợp một cách đồng bộ, hài hòa và hiệu quả, từng bước giảm ùn tắc giao thông.

Nguyễn Đăng Sơn

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng

Tài liệu tham khảo

  1. World Conference on Model Cities _ Singapore, 1999
  2. Defining Model Cities: Singapore’s Perpective_ Lim Hng Kiang,1999
  3. Urbanisation and Sustainaible Developmen_ Francoise Noel, 2002
  4. The Study on Urban Transport Master Plan and Feasibility Study in HCMC Area_ ALMEC Corporation, June 2004
  5. Phương pháp tiếp cận mới về quy hoạch và quản lý đô thị_ Nguyễn Đăng Sơn, Nxb Xây dựng năm 2005, tập 2 năm 2006
  6. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025_ Viện QHXD Thành phố Hồ Chí Minh & Nikkei Seikei ( Nhật) tháng 4/2007
  7. Thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ 21 – Hướng tới một đô thị giao thông đẳng cấp thế giới_ IST Consultancy. Tháng 3/2011
  8. Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đa trung tâm để tránh ách tắc giao thông_ Nguyễn Đăng Sơn, Kỷ yếu Hội thảo “Làm thế nào để vận tải hành khách công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh” do Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh  phối hợp với báo Sàì Gòn Giải phóng, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Sơ QH KT Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh  này 28/4/2011
  9. Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ 6 tuyến Metro_ khuđothimoi.com, theo Sài Gòn Tiếp thị 2015
  10. Phát triển đô thị theo giao thông công cộng_ Huỳnh Thế Du, Ashui.com, 2015

Nguồn: www.constructiondpt.hochiminhcity.gov.vn

Tiếng Việt