Biến đổi khí hậu đã tác động đến Việt Nam như thế nào?

Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu biến đổi khí hậu) do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Thời tiết bất thường khắp cả nước

Nhìn lại năm 2016 và đầu năm 2017 sẽ thấy tính bất thường của thời tiết ngày càng gay gắt, xảy ra trên khắp cả nước. Cụ thể với mùa khô 2016, nhiều nơi ở miền Nam và miền Trung khô hạn do lượng mưa thiếu hụt từ 30 – 40%, lượng dòng chảy trên các sông nhỏ dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn đến sớm hơn 1 tháng ở các vùng cửa sông miền Trung và đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nơi mặn đã vào sâu 80 – 100 km hoặc hơn, bà con nông dân điêu đứng vì hạn mặn, thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất rất nghiêm trọng.

Ở miền Trung mưa lũ đến muộn nhưng lại dồn dập, lũ chồng lũ kéo dài nhiều ngày vào những tháng cuối năm 2016, gây thiệt hại lớn về tài sản và người. Miền Bắc đợt rét đầu tiên đến sớm so với bình thường, tuy nhiên người dân lại ít cảm nhận được không khí lạnh của mùa đông, do xen kẽ các đợt lạnh lại có những ngày nhiệt độ khá cao gây tiết trời oi nóng.

Trong mùa khô 2016 – 2017, Nam Bộ cũng như Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số trận mưa trái mùa với lượng lớn, số ngày xuất hiện mưa và tổng lượng mưa các tháng trong mùa khô cũng vượt trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mưa trái mùa gây thiệt hại cho sản xuất vụ đông xuân cũng như hoa màu cây trái. Theo chuyên gia dự báo khí tượng, có nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn do biến đổi khí hậu đã làm thay đổi một số quy luật tự nhiên. Chuyên gia dự báo khí tượng cho biết, hiện nay thời tiết đang ở giai đoạn trung tính và có xu hướng nhích sang El Nino (thường gắn với hiện tượng khô hạn) nên mùa mưa ở Nam Bộ đã đến sớm hơn trung bình nhiều năm.

Cuối thế kỷ 21, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập 20% diện tích

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà,  biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2016 lại phá kỷ lục của năm 2015, trở thành năm nóng nhất trong lịch sử tồn tại của loài người; Nồng độ CO2 trong bầu khí quyển tiếp tục tăng, đã vượt quá ngưỡng nguy hiểm.  biến đổi khí hậu được dự báo là có nhiều diễn biến phức tạp trong những năm tới, tiếp tục tạo ra nhiều thách thức về kinh tế – xã hội, an ninh và môi trường.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được đánh giá là một trong những khu vực dễ bị tổn thương, chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Nhiều loại hình thiên tai, hiện tượng khí hậu và thời tiết cực đoan diễn ra với quy mô, tần suất và mức độ ngày càng lớn. Số liệu 2015 cho thấy, trong tổng số 90 cơn bão toàn cầu, 344 thảm họa thiên tai thì có đến gần 50% số đó xuất hiện ở các quốc gia và vũng lãnh thổ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích thành phố.

Tại hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu – hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” tổ chức mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy  Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân dẫn đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi  biến đổi khí hậu. Tác động mạnh nhất đến thành phố là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. “Tình trạng ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn, nước biển dâng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân thành phố” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói. Trên một km2, Thành phố Hồ Chí Minh có số dân, chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông gấp 17 lần bình quân cả nước. “Đây thực sự là những thách thức rất lớn cho việc đảm bảo môi trường sống tốt cho người dân và làm cho thành phố nhạy cảm hơn với tác động của biến đổi khí hậu”- ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay.

Bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người dân

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững đối với tất cả các nước trên thế giới, từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã lập kế hoạch 61 dự án cấp bách, không thể trì hoãn với tổng kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng. Các dự án ưu tiên trong giai đoạn trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý phê duyệt khoảng 15.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống hồ tích trữ nước ngọt; phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, dự báo khí tượng thủy văn; di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm….

Còn về lâu dài, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để phát triển nền kinh tế xanh theo hướng các-bon thấp và giảm phát thải khí nhà kính, như cam kết trong Thoả thuận Paris thì Việt Nam cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. “Vì vậy, chúng ta cần sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân, nhằm tăng cường sự đầu tư giảm lượng phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, dần dần chuyển đổi nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nhiên liệu không tái tạo sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất và tiết kiệm năng lượng” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay TP đã có những chủ trương, chính sách tương ứng để ứng phó với  biến đổi khí hậu ở nhiều mức độ và được lồng ghép trên nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý nước, nông nghiệp. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia hoạt động của Tổ chức C40 (Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu); tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nghiên cứu xây dựng các thể chế, tạo hành lang pháp lý, tiến tới từng bước thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015. Thành phố cũng hợp tác với thành phố Osaka (Nhật Bản) trong chương trình phát triển thành phố phát thải cac-bon thấp và với thành phố Rotterdam (Hà Lan) trong “Chương trình Thành phố Hồ Chí Minh phát triển về hướng biển thích ứng với biến đổi khí hậu”. “Chúng tôi đã quyết định sẽ xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh đầu tiên của Việt Nam, trong đó yếu tố bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người dân là một thành tố quan trọng hàng đầu” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

MINH QUÂN

Nguồn: Lao Động Online

Tiếng Việt